Đức Huệ tiếp sức sinh kế cho hộ nghèo vùng biên: Chung tay vì một tương lai không ai bị bỏ lại phía sau
Chương trình lần này hỗ trợ 11 hộ nghèo, cận nghèo tại các xã: Mỹ Quý Đông, Mỹ Quý Tây, Mỹ Thạnh Tây, Bình Hòa Hưng và Mỹ Bình. Mỗi hộ được nhận phương tiện sinh kế trị giá từ 10 đến 15 triệu đồng, với tổng kinh phí hơn 150 triệu đồng. Để việc hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng, phù hợp với nhu cầu và năng lực của từng gia đình, trước khi trao tặng, Mặt trận phối hợp cùng với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội đã đến khảo sát từng hộ gia đình.
Những con bò giống sinh sản đến chiếc xe gắn máy, xe nước mía, cây chanh giống,… do chương trình hỗ trợ không chỉ là quà tặng mà đó là một công cụ thiết thực giúp người dân tận dụng nguồn lực của gia đình và khai thác tiềm năng sẵn có tại địa phương để phát triển kinh tế.
Tham dự và trao phương tiện sinh kế tại các hộ gia đình, bà Trần Thị Huỳnh Như - Ủy viên Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đức Huệ, chia sẻ: “Chúng tôi không chỉ trao đi những phương tiện sinh kế, mà quan trọng hơn là truyền đi niềm tin, sự khích lệ để các hộ dân thêm động lực vươn lên trong cuộc sống. Thoát nghèo không chỉ là đích đến, mà là hành trình cần được đồng hành bằng cả trái tim và trách nhiệm”.
Trao tặng bò giống sinh sản cho hộ anh Trần Văn Nhựt, ấp 2 xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ
Trong ánh mắt xúc động của anh Nguyễn Đình Lạc - người dân xã Bình Hòa Hưng, là niềm hy vọng mới: “Gia đình tôi bao năm nay làm thuê, sống tạm bợ. Giờ được hỗ trợ cây chanh giống, tôi sẽ chăm sóc thật tốt, mong một ngày có thu nhập ổn định để nuôi con ăn học đàng hoàng”.
Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động hỗ trợ người nghèo của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Long An cùng với các hoạt động thiết thực khác như hỗ trợ nhà ở, xây dựng nhà Đại đoàn kết, xóa nhà tạm, nhà dột nát… Tất cả nhằm xây dựng vùng biên giới ổn định, phát triển.
Ông Nguyễn Trung Hiếu - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đức Huệ, khẳng định: “Hỗ trợ sinh kế là giải pháp căn cơ và hiệu quả để người dân tự đứng vững. Đây cũng là cách chúng tôi góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội trên tuyến biên giới”.
Nguồn kinh phí triển khai chương trình được hỗ trợ từ Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh - nơi quy tụ sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong và ngoài tỉnh. Mỗi sự sẻ chia là minh chứng sống động cho tinh thần “lá lành đùm lá rách” - truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.
Một con bò giống có thể mang đến những thế hệ bê sinh lợi. Một xe nước mía nhỏ giúp một người cha lo được học phí cho con. Một cây chanh giống gieo xuống mảnh đất biên giới là mầm xanh cho tương lai. Những điều tưởng chừng nhỏ bé ấy đang góp phần thay đổi cuộc đời của nhiều hộ dân nơi vùng biên giới.
Chương trình đã khép lại trong không khí ấm áp, nhưng hành trình “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” vẫn đang tiếp tục. Từ những việc làm cụ thể hôm nay, một tương lai tươi sáng đang dần hiện hữu trên vùng đất biên giới Đức Huệ - nơi tình người luôn là nguồn sức mạnh bền bỉ nhất để vượt qua nghèo khó./.
Tin khác
- Long An tập trung lấy ý kiến nội dung hướng dẫn xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc
- Hai huyện Tân Thạnh và Vĩnh Hưng: Phát huy vai trò MTTQ trong góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 2013
- Đức Huệ: Lan tỏa yêu thương qua mô hình “Người có giúp người khó”
- Tân Thạnh tăng tốc xóa nhà tạm, hướng đến mục tiêu an cư cho hộ nghèo
- Đức Huệ tiếp sức sinh kế cho hộ nghèo vùng biên: Chung tay vì một tương lai không ai bị bỏ lại phía sau
- Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Long An thăm, chúc mừng Đại lễ Phật Đản Vesak 2025
- Mặt trận Long An triển khai lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013
- Cựu chiến binh làm giàu từ mô hình trồng lan thương phẩm
- Thủ Thừa: Lan tỏa tinh thần chuyển đổi số đến từng khu phố, ấp
- Thắm tình hữu nghị, đoàn kết gắn bó giữa Nhân dân hai bên biên giới: Kiến Tường (Long An, Việt Nam) và Kampongro (Svay Rieng, Campuchia)