Các tầng lớp Nhân dân Long An tích cực tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp
Cùng với việc triển khai bằng văn bản, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tuyên truyền về việc lấy ý kiến trên Trang thông tin điện tử Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, Trang Fanpage Mặt trận Long An. MTTQ các cấp trong tỉnh phối hợp với ngành, tổ chức thành viên tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi bằng các hình thức phong phú, thông qua các Trang thông tin điện tử, zalo, facebook... Thông qua tuyên truyền trực tiếp tại hội nghị, sinh hoạt chuyên đề; phối hợp tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh; phối hợp đến từng hộ dân hướng dẫn người dân đóng góp thông qua ứng dụng VneID, tổ chức lấy ý kiến thông qua việc phát phiếu,... MTTQ các cấp định hướng tư tưởng nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp trong cộng đồng và Nhân dân. Đồng thời, tổ chức gần 200 hội nghị lấy ý kiến các vị Ủy viên Ủy ban MTTQ; người tiêu biểu các dân tộc, chức sắc các tôn giáo; thành viên Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn của MTTQ các cấp và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn dân cư về các nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.
Qua lấy ý kiến, Nhân dân đều đồng thuận cao về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Trong đó, việc sửa đổi bổ sung quy định về MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội là phù hợp với yêu cầu đổi mới mạnh mẽ về tổ chức, phương thức hoạt động và trách nhiệm chính trị trong giai đoạn phát triển mới, phát huy vai trò trực tiếp của Nhân dân trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng hợp pháp của Nhân dân.
Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh - Tôn Thọ Nuôi góp ý tại hội nghị
do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức
Đa số các ý kiến tán thành với quy định “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo” và quy định “các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam”. Các ý kiến cho rằng những quy định trên đã thể hóa chủ trương của Đảng về thu gọn đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị; làm rõ vai trò cốt lõi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhấn mạnh vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân, đồng thời cũng làm giảm bớt sự trùng lặp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cần bổ sung tính “độc lập tương đối” của các tổ chức chính trị - xã hội, nhằm tạo cơ chế thực hiện tốt nguyên tắc “phối hợp và thống nhất hành động” của Mặt trận và các tổ chức thành viên. Phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức, ông Đặng Văn Xướng - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật cho rằng: nguyên tắc “phối hợp và thống nhất hành động” chỉ có thể thực hiện tốt trong điều kiện được “độc lập tương đối”, vì đã là “trực thuộc” về mặt tổ chức thì việc triển khai nhiệm vụ sẽ nặng về tính lãnh đạo, thay vì phối hợp.
Các ý kiến cũng thống nhất cao với việc bổ sung vai trò “đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn” của tổ chức Công đoàn Việt Nam, điều này phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Liên quan đến thẩm quyền trình dự án luật, dự án pháp lệnh của các tổ chức chính trị - xã hội theo quy định của Hiến pháp năm 1993, đa số các ý kiến tán thành với việc không tiếp tục quy định quyền này cho các cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận, thay vào đó thẩm quyền này sẽ giao cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình trên cơ sở tiếp nhận, tổng hợp, nghiên cứu, xem xét các kiến nghị, đề xuất của các tổ chức chính trị - xã hội cũng như các tổ chức thành viên khác của Mặt trận. Quy định trên phù hợp với việc sắp xếp, tinh gọn các cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có 1 vài ý kiến đề nghị giữ nguyên như Hiến pháp 2013, để các các tổ chức chính trị - xã hội có quyền độc lập tương đối, trong đó có việc trình dự án luật.
Đối với nội dung sửa đổi về các đơn vị hành chính, một số đại biểu đề nghị thay thế “Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” thành “Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính cấp cơ sở trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.”, việc thể hiện như dự thảo có thể dẫn đến cách hiểu là sẽ có nhiều cấp đơn vị hành chính dưới tỉnh như hiện nay. Một vài đại biểu cũng băn khoăn về việc dự thảo Hiến pháp mới bỏ quy định lấy ý kiến Nhân dân địa phương đối với việc “thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính”, đại biểu cho rằng đó là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, tâm tư, tình cảm của người dân, nên cần lấy ý kiến Nhân dân, nhằm tạo sự đồng thuận chung. Một số đại biểu cũng đề nghị Quốc hội cân nhắc quy định tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) ở chính quyền địa phương cấp cơ sở, vì trên thực tế, hiệu quả hoạt động của tổ chức này là không cao. Phát biểu về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Nguyên - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Kinh tế cho rằng: trong hoạt động, Hội đồng nhân dân cấp cơ sở hầu như không ban hành chủ trương, chính sách riêng của địa phương, do vậy, để hạn chế về mặt thủ tục, trên cơ sở các chủ trương, định hướng của cấp ủy địa phương, Ủy ban nhân dân có thể xây dựng kế hoạch triển khai và điều hành, tổ chức thực hiện.
Đối với việc bỏ quy định về quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, một số ý kiến cho rằng người dân phải được giám sát hoạt động tư pháp đặc biệt là hoạt động truy tố, xét xử của Viện Kiểm sát và Tòa án. Cùng với đó, hoạt động chất vấn là một trong những quyền giám sát mang tính quyền lực rất cao, bảo đảm các quy định của pháp luật tố tụng được thực hiện đầy đủ, tránh oan sai,… Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh - Tôn Thọ Nuôi cho rằng: sau khi sắp xếp tổ chức, bộ máy, mặc dù không còn HĐND cấp huyện, nhưng vẫn còn HĐND cấp tỉnh, đại biểu HĐND cấp tỉnh sẽ chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; đối với Tòa án và Viện kiểm sát khu vực, trong trường hợp vụ việc thuộc trách nhiệm của khu vực nào, đại biểu HĐND cấp xã sẽ chất vấn Chánh án và Viện trưởng phụ trách khu vực của xã đó.
Việc lấy ý kiến của các tầng lớp Nhân dân về các nội dung sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp năm 2013 được Mặt trận các cấp trong tỉnh triển khai là đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn, qua đó phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thông qua việc góp ý kiến, hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hệ thống MTTQ Việt Nam đối với việc sửa đổi Hiến pháp và và thi hành Hiến pháp./.
Tin khác
- Thống nhất các nội dung chuẩn bị hợp nhất các Hội quần chúng 2 tỉnh Long An - Tây Ninh
- Tân Hưng: Tập huấn nâng cao năng lực cán bộ Mặt trận cơ sở
- Cựu chiến binh tham gia bảo vệ môi trường
- Vai trò nổi bật của Mặt trận Tổ quốc trong công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát ở huyện Tân Thạnh
- Các tầng lớp Nhân dân Long An tích cực tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp
- Gương Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi
- Trao sinh kế và học bổng thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”
- Thị trấn Thủ Thừa: Lan tỏa tinh thần nhân ái qua mô hình tặng thẻ bảo hiểm y tế cho người khó khăn
- Lan tỏa tinh thần đại đoàn kết ở huyện biên giới Vĩnh Hưng
- ĐỘI DÂN PHÒNG CƠ ĐỘNG CỰU CHIẾN BINH