Hai huyện Tân Thạnh và Vĩnh Hưng: Phát huy vai trò MTTQ trong góp ý sửa đổi Hiến pháp năm 2013

15/05/2025 02:53
Màu chữ Cỡ chữ
Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Long An về tổ chức lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, các địa phương trong tỉnh đã tích cực tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013. Trong đó, hai huyện Tân Thạnh và Vĩnh Hưng đã triển khai hội nghị nghiêm túc, hiệu quả, thể hiện vai trò nòng cốt của MTTQ trong việc phát huy dân chủ, tập hợp trí tuệ Nhân dân, góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nước nhà.

Tân Thạnh: Phát huy sức mạnh đoàn kết trong góp ý Hiến pháp

Chiều 13/5/2025, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tân Thạnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Võ Minh Dương chủ trì hội nghị. Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Thanh Chì; đại diện các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội cùng tham dự.

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe trình bày bản tóm tắt dự thảo Nghị quyết; bản thuyết minh về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; bản so sánh các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với quy định hiện hành của Hiến pháp. Đáng chú ý, toàn bộ đại biểu đều đồng tình với nội dung dự thảo và không có ý kiến góp ý bổ sung, cho thấy sự đồng thuận cao với phương án sửa đổi đang được trình.

Đại biểu dự Hội nghị lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tân Thạnh tổ chức 

Trước đó, ngày 09/5/2025, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã ban hành Kế hoạch số 198/KH-MTTQ-BTT, triển khai lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội và MTTQ Việt Nam cấp xã, thị trấn. Các hình thức góp ý được áp dụng linh hoạt: gửi văn bản giấy, thư điện tử hoặc tham gia hội nghị trực tiếp. Hoạt động tuyên truyền cũng được đẩy mạnh nhằm tạo sự lan tỏa, khơi dậy tinh thần trách nhiệm trong Nhân dân.

Việc tiếp nhận ý kiến được duy trì đến hết ngày 15/5/2025 tại trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, địa chỉ Khu phố 5, thị trấn Tân Thạnh hoặc qua email: ubmttqtanthanh@longan.gov.vn.

Vĩnh Hưng: Lan tỏa tinh thần xây dựng Hiến pháp đến từng ấp, khu phố

Hòa cùng không khí sôi nổi của cả nước và của tỉnh Long An, huyện Vĩnh Hưng cũng tích cực tổ chức lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013. Hội nghị do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tổ chức dựa trên Kế hoạch số 46/KH-MTTW-BTT ngày 09/5/2025 của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh ban hành.

Hoạt động lấy ý kiến diễn ra rộng khắp trong toàn hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp từ huyện đến xã, thị trấn, các tổ chức thành viên, nguyên lãnh đạo Mặt trận, Ban công tác Mặt trận ở các ấp, khu phố. Việc tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh trong đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân góp phần đưa tinh thần sửa đổi Hiến pháp đến tận cơ sở, đảm bảo tính dân chủ và toàn diện.

Thời gian lấy ý kiến bắt đầu từ ngày 07/5/2025 đến hết ngày 18/5/2025. Tính đến ngày 14/5/2025, huyện Vĩnh Hưng đã tổ chức tổng cộng 219 cuộc lấy ý kiến, thu hút 67.903 lượt người tham gia. Kết quả thật ấn tượng: tất cả các ý kiến đều thống nhất cao với nội dung dự thảo, cho thấy sự nhất trí và niềm tin của người dân vào tiến trình đổi mới pháp luật.

Quang cảnh Hội nghị triển khai lấy ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013

do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Vĩnh Hưng tổ chức

Sau khi kết thúc đợt lấy ý kiến, Mặt trận Tổ quốc huyện sẽ tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan các ý kiến góp ý và gửi đến Quốc hội cùng các cơ quan liên quan, đảm bảo tiếng nói của Nhân dân được phản ánh trung thực, kịp thời.

Hai hội nghị tại huyện Tân Thạnh và Vĩnh Hưng không chỉ là minh chứng cho tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nước của người dân Long An, mà còn khẳng định vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Hiến pháp - đạo luật gốc của quốc gia.

Việc lắng nghe ý kiến Nhân dân không chỉ là hình thức mà là nội dung cốt lõi của một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Qua đó, tăng cường niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước và khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đổi mới đất nước./.

Ngọc Diệu - Chí Tâm - Hữu Trung
Liên kết website